Theo báo cáo Digital 2021 của We Are Social, 3 trong 5 loại nội dung được người dùng Internet Việt tiếp cận nhiều nhất là nhạc (73,2%), radio (44,4%) và podcast (37,9%). Vậy đâu sẽ là hướng tiếp cận khả thi khi thương hiệu triển khai các hoạt động trên nhóm kênh truyền thông “không màn hình”?
Brands Vietnam đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ từ ông Trần Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội marketing Việt Nam (VMA) về chủ đề này.
* Theo báo cáo Digital 2021 của We Are Social, 3 trong 5 loại nội dung được người dùng Internet Việt tiếp cận nhiều nhất là nhạc (73,2%), radio (44,4%) và podcast (37,9%). Ông có nhận xét gì về việc một hình thức truyền thống như radio cũng nằm trong nhóm nội dung được người dùng mạng tiếp cận nhiều nhất?
Ở Việt Nam, nếu nói về Radio thì 2-3 thập niên trước, nhà nào cũng có một cái radio để nắm bắt thông tin, nghe nhạc, nghe ngâm thơ, đọc truyện. Quá khứ đó của radio chỉ còn là ký ức. Bây giờ, thật khó để nhìn thấy ai đó đang nghe radio truyền thống và cũng rất ít gia đình có radio. Tuy nhiên, với thời đại công nghệ số và di chuyển thuận tiện hơn, radio cũng đã tiếp cận đến với lượng lớn người nghe sử dụng ô tô tham gia giao thông. Họ thường mở radio trong khi di chuyển để cập nhật tin tức. Đây là nhóm đối tượng khá tập trung.
Bên cạnh đó, nhu cầu được cập nhật thông tin nhanh đã dần dẫn đến xu hướng nghe tin tức trên các thiết bị thông minh. Việc nghe tạo cảm giác thư giãn cho mắt sau một ngày dài làm việc mà vẫn có thể tiếp nhận những nội dung thú vị. Do đó, có thể nói là kênh radio vẫn có thể tiếp cận được với người dùng nếu họ có thể phát triển những nhóm nội dung phù hợp và thiết thực cho từng phân khúc khách hàng.
* Trong thời đại số, để giải quyết nhu cầu muốn cập nhật nhanh những tin tức nóng, trào lưu mới, người dùng hiện cũng dành sự quan tâm đến định dạng video ngắn. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa hình thức đưa tin vắn của radio và cách truyền tải thông tin qua video ngắn? Và điểm thu hút của hình thức radio/ podcast là gì?
Quan điểm của tôi là mỗi hình thức đều sẽ có một sự hấp dẫn riêng và không thể thay thế cho nhau. Ưu điểm của tin vắn trên radio là sự dễ dàng cập nhật luôn và ngay phục vụ thính giả. Các định dạng video ngắn sẽ phục vụ tốt hơn đối với người xem đang chủ động lướt internet và nghiêng theo hướng giải trí nhiều hơn.
Nội dung tin và tính kịp thời đăng tải là yếu tố căn bản nhất tạo nên sức hấp dẫn của tin vắn radio. Thính giả lên xe là được cập nhật bằng hàng trăm tin khác nhau thuộc đủ lĩnh vực của đời sống trong và ngoài nước. Radio có thể cập nhật tin các trận đấu thể thao đang diễn ra, các tin chứng khoán, các tin thời sự… mà các định dạng khác cần phải có thời gian.
* Theo ông, những nhóm nội dung nào thường được nghe nhiều nhất với hình thức radio, podcast?
Có thể xem podcast là cánh tay nối dài của radio trên nền tảng số. Tuy nhiên, hai hình thức này lại khác nhau về nội dung và cách tiếp cận thính giả. Với radio thì nhóm tin tức phải nhanh, gọn, tăng tính tương tác để thính giả cùng kiến tạo nội dung và mang tính gần gũi, đời thường hơn. Còn podcast nghiêng về những nội dung audio on demand, tức người nghe tự chọn nội dung phù hợp với sở thích, mối quan tâm của họ. Hình thức này đòi hỏi nội dung, giọng nói, âm nhạc phải được hoà quyện mang sức nặng nghệ thuật hơn, đáp ứng theo đa dạng nhu cầu của những phân khúc người nghe khác nhau.
* Với những nét đặc trưng như vậy, đâu là những lưu ý cho các hoạt động marketing của thương hiệu trên kênh radio, thưa ông?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, có một sự trở lại của radio nhờ vào nhóm người đi ô tô, họ quan tâm tới đường xá, giao thông như những câu chuyện đồng hành. Họ thích nghe tin tức ngắn gọn bù đắp khoảng thời gian lưu thông trên các cung đường.
Vì vậy, đối với các kênh radio về tin tức và giao thông, nhóm người nghe chủ yếu sẽ là những người sở hữu xe ô tô, có thu nhập từ trung bình đến cao. Họ có thể là nhóm khách hàng thường xuyên trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, công nghệ, tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe. Mối quan tâm phổ biến của phân khúc người nghe này là những vấn đề liên quan đến sức khỏe và các cơ hội kinh doanh hơn là những tin tức đời thường của xã hội nói chung và vì thế các nhà đài rất chú ý đặc điểm này để đưa thông tin phù hợp.
Từ chân dung về nhóm người nghe phổ biến trên, những thương hiệu có thể cân nhắc xuất hiện trên kênh radio gồm thương hiệu bất động sản, tài chính, vật liệu xây dựng, ô tô hoặc hàng tiêu dùng…
* Các thương hiệu sẽ cần tiếp cận tệp đối tượng mục tiêu của mình như thế nào qua hình thức radio để tối ưu hoá khả năng tiếp cận?
Theo quan sát của tôi thì thương hiệu có thể tiếp cận nhóm đối tượng được miêu tả ở trên thông qua nhóm nội dung tin tức, tin tức và tin tức. Có lẽ nhóm tin liên quan đến tài chính, ngân hàng, bất động sản và các tin kinh tế chính trị quan trọng khác sẽ là một lựa chọn phù hợp. Những người đi ô tô thường có thu nhập cao hơn nên mối quan tâm của họ cũng có sự khác biệt như tôi đã chia sẻ ở câu hỏi trước.
* Cụ thể hơn thì những khung giờ nào phù hợp để thương hiệu xuất hiện trong các chương trình radio?
Để trả lời câu hỏi này tôi nghĩ là cần phải có khảo sát cụ thể. Nhưng dựa trên quan sát cá nhân, tôi nghĩ các khung giờ khả thi là khung giờ đi làm sáng và tan tầm buổi chiều. Đây là khoảng thời gian có mật độ lưu thông cao nhất, có thể sẽ có nhiều người di chuyển bằng ô tô và lắng nghe tin tức trên radio hơn. Khung buổi trưa cũng là một lựa chọn có thể cân nhắc.
* Theo ông, nội dung để quảng bá trên radio có gì khác so với yêu cầu nội dung quảng bá ở những kênh truyền thông khác?
Theo tôi, việc quảng bá trên Radio với tần suất phù hợp sẽ kích hoạt nhu cầu và quyết định sử dụng sản phẩm hoặc ít ra cũng khuyến khích khách hàng tìm hiểu kỹ thêm về sản phẩm được quảng cáo. Tuy nhiên, với đặc trưng không hình ảnh nên hoạt động quảng bá trên radio cần được song hành với những hoạt động khác ở những nền tảng khác để tăng tính hiệu quả của toàn bộ chiến dịch marketing.
* Có thể thấy ông Hoàng có một độ hiểu biết nhất định về kênh radio qua những chia sẻ vừa rồi. Có lẽ ông cũng thường nghe radio trong những hành trình di chuyển của mình. Vậy ông có một kênh radio yêu thích nào không?
Tôi hay nghe chương trình “Nhịp sống Sài Gòn” trên kênh VOH FM95.6Mhz. Điều khiến tôi ấn tượng là mô hình 3 host theo phong cách Mỹ hiện đại của đài. Họ đưa những tin tức hấp dẫn đến người nghe một cách nhanh gọn, qua giọng dẫn trẻ trung, truyền cảm. Các nội dung thông tin, giải trí, âm nhạc… được đan xen phù hợp làm cho người nghe không bị chán. Hình như đài cũng có sử dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo để cập nhật kịp thời, chính xác thông tin giao thông. Tôi nghĩ, đây là mô hình sáng tạo của Nhịp sống Sài Gòn và tạo nên sức hút riêng cho kênh.
* Ông có thể điểm qua một số hiệu quả về mặt truyền thông mà thương hiệu có thể đạt được thông qua các hoạt động quảng bá trên kênh radio?
Ví dụ khi quảng cáo trên kênh Nhịp sống Sài Gòn VOH FM95.6Mhz ở TP.HCM, tôi thấy nhà đài sẽ cố gắng nhắc các từ khóa thông qua clip quảng cáo or các thương hiệu đồng hành tài trợ. Theo số liệu được nhà đài chia sẻ, lượt truy cập website của thương hiệu được nhắc trong chương trình có chiều hướng tăng rõ rệt. Một trường hợp thành công khác là những quảng cáo về sản phẩm đến từ những công ty dược uy tín cũng nhận được những cuộc gọi của khách hàng để hỏi thêm về thông tin sản phẩm (thậm chí là nhu cầu mua sắm) xuất hiện trong chương trình.
Từ những ví dụ trên, có thể thấy kênh radio đã giúp thương hiệu đạt được mục tiêu tăng độ nhận diện. Theo quan sát của tôi, quảng cáo trên radio có thể giúp thương hiệu khơi gợi mong muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm và hướng họ tìm hiểu kỹ thêm tại website chính thức. Với các mục tiêu chuyển đổi khác sẽ cần sự hỗ trợ của những hoạt động quảng bá trên đa dạng nền tảng.
* Xin cảm ơn ông.
(Nguồn: Brands Vietnam)